02256.289.114 / 0906.014.114 Pcducphuc@gmail.com Số 16, lô 02, Khu TĐC Vinhomes Riverside - P. Sở Dầu - Q. Hồng Bàng - TP. Hải Phòng
Cẩm nang PCCC
Cập nhật: 16-02-2022 05:04:44 | Cẩm nang PCCC | Lượt xem: 492
Di chuyển người bị nạn là kĩ thuật y tế đầu tay của cán bộ chiến sỹ (CBCS) lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH; cũng là kĩ thuật y tế sinh tồn mà mỗi người dân cần làm được. Vì vậy, mỗi CBCS phải được huấn luyện thành thạo kỹ thuật này để trong mọi hoàn cảnh có thể vận dụng để di chuyển, vận chuyển nạn nhân, người bị nạn được nhanh chóng và an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong, tàn phế do không được chuyển thương kịp thời hoặc chuyển thương không đúng kỹ thuật gây ra.
I. MỤC ĐÍCH CỦA KHÓA HUẤN LUYỆN
Huấn luyện cho CBCS làm chủ các kỹ thuật vận chuyển bằng tay không, vận chuyển bằng cáng và vận dụng vào thực tiễn vận chuyển nạn nhân, người bị nạn ra khỏi khu vực sự cố, tai nạn, đến cơ sở y tế.
II. MỤC TIÊU HUẤN LUYỆN
Trình bày được tầm quan trọng, nguyên tắc và thứ tự các bước cần thực hiện khi di chuyển người bị nạn bị thương đến khu vực an toàn hoặc đi cấp cứu.
Mô tả và làm được kỹ thuật vận chuyển người bị nạn bằng tay không, bằng cáng.
Áp dụng được kỹ thuật vận chuyển bằng tay không, bằng cáng vào thực tiễn vận chuyển nạn nhân từ nơi bị nạn ra khu vực an toàn và đến cơ sở y tế.
Nghiêm túc, trách nhiệm cao, quyết tâm làm chủ kỹ thuật vận chuyển người bị nạn bằng tay không, bằng cáng.
III. NỘI DUNG HUẤN LUYỆN
3.1 Sự cần thiết của kỹ thuật di chuyển người bị nạn trong cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH
Khi xảy các sự cố, tai nạn như: Tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong sinh hoạt, sập đổ công trình, đuối nước, thảm họa thiên… đang không ngừng gia tăng, khiến hàng triệu người đột ngột phải đối diện với nguy cơ tử vong, tàn phế, đặc biệt là khi họ không được sơ cấp cứu và vận chuyển kịp thời, đúng cách, an toàn đến các khu vực an toàn và cơ sở y tế để cứu chữa, điều trị.
Di chuyển người bị nạn là kỹ thuật vận chuyển người bị thương từ ngay hiện trường đến khu vực an toàn, cơ sở y tế (trạm xá, bị nạn viện…) để họ được cấp cứu, điều trị sớm nhất, nhanh nhất. Đây là công việc khó khăn, phức tạp; bản thân các tổn thương luôn có nguy cơ diễn biến nặng lên hoặc xuất hiện các biến chứng xấu (có thể do chính tổn thương ban đầu hoặc do quá trình vận di chuyển không đúng kỹ thuật). Vì vậy, việc di chuyển người bị nạn, bị thương cần được đặc biệt coi trọng, đảm bảo đúng chỉ định, kịp thời, đúng kỹ thuật để hạn chế thấp nhất các biến chứng có thể xảy ra.
3.2 Các nguyên tắc di chuyển người bị nạn trong cứu nạn, cứu hộ
Trường hợp nạn nhân bị chấn thương, chỉ nên vận chuyển người bị nạn khi có chỉ định từ người có chuyên môn, chú ý tuân thủ chỉ định về thời gian, phương pháp, phương tiện vận chuyển, tư thế người bị nạn khi di chuyển và các hướng dẫn, lưu ý kèm theo.
Phải kiểm tra phương tiện vận chuyển người bị nạn trước khi sử dụng; bảo đảm có đầy đủ đồ dùng giữ ấm, dụng cụ che mưa, che nắng cho nạn nhân (nếu cần); ghi nhớ mốc thời gian di chuyển, chú ý theo dõi nắm bắt các diễn biến của người bị nạn trong quá trình vận chuyển để thông tin cho cơ sở y tế tiếp nhận người bị nạn khi bàn giao.
Quá trình di chuyển người bị nạn phải đảm bảo nhẹ nhàng, cẩn thận, đúng kỹ thuật; đặc biệt khi vận chuyển những người bị nạn bị vết thương mạch máu, tổn thương cột sống, gãy xương đùi…; những người này dễ tử vong trên đường vận chuyển do các tai biến khi việc vận chuyển không tốt.
Trường hợp nạn nhân vừa vận chuyển vừa cần cấp cứu trên đường, nhất thiết phải có nhân viên y tế có năng lực cấp cứu đi cùng.
Các bước di chuyển người bị nạn trong cứu nạn, cứu hộ
Khi di chuyển người bị nạn ra khu vực an toàn, đưa đến cơ sở y tế để đảm bảo việc vận chuyển an toàn, không gây biến chứng xấu cho nạn nhân, CBCS lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cần lưu ý thực hiện các bước sau:
3.3. 1. ĐÁNH GIÁ ĐỂ QUYẾT ĐỊNH VẬN CHUYỂN ĐÚNG
Trước khi vận chuyển, để có quyết định vận chuyển đúng, người chỉ huy việc vận chuyển người bị nạn cần trả lời một số câu hỏi quan trọng về:
Sự cần thiết: Nạn nhân có cần vận chuyển cấp cứu không? Chuyển hay không chuyển thì sao?
Sự an toàn: Nếu cần thì việc vận chuyển liệu có an toàn không? Nạn nhân đang xuất huyết, sốc, ngừng tim, ngừng thở, mất ý thức, đau bụng dữ dội…
Quãng đường, thời gian vận chuyển: quãng đường bao nhiêu km, dự kiến bao lâu, khởi hành lúc nào? Để xem sức người bị nạn có chịu đựng, có vượt qua được không.
Phương pháp vận chuyển: Vận chuyển người bị nạn bằng phương pháp nào để bảo đảm an toàn? Bế, cáng võng, cáng cứng…
Phương tiện vận chuyển: Vận chuyển bằng phương tiện gì để bảo đảm an toàn, phù hợp với tổn thương của người bị nạn? Xe máy, xe cứu thương, trực thăng cứu nạn, cứu hộ…
Tư thế vận chuyển: Vận chuyển ở tư thế nào thì an toàn cho người bị nạn: nằm sấp, nằm ngửa, nằm nghiêng, nửa nằm nửa ngồi…
Tiên lượng nguy cơ: Các nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra trên đường vận chuyển? Cần chuẩn bị phương tiện gì để ứng phó, xử lý khi tình huống xấu xảy ra? Thuốc cấp cứu, oxy, bóng ambu, nhân viên y tế, chăn ga gối, nước uống…
Giấy tờ liên quan: Cần chuẩn bị các giấy tờ gì khi chuyển và bàn giao người bị nạn? Giấy tờ tùy thân …;
Trường hợp không thể vận chuyển người bị nạn, nguồn lực tại chỗ không bảo đảm: Gọi hỗ trợ chuyên môn, phương tiện từ các cơ sở y tế đủ năng lực ở gần nhất: gọi kíp chuyên môn xuống cứu chữa tại chỗ; gọi xe cứu thương, các thiết bị cấp cứu cần thiết, nhân viên cấp cứu chuyên khoa… xuống hộ tống để vừa cấp cứu vừa vận chuyển người bị nạn.
3.3.2. TỔ CHỨC VẬN CHUYỂN
Người chỉ huy cần căn cứ chỉ định vận chuyển để lên kế hoạch tổng thể; huy động, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho những người tham gia vận chuyển, có kiểm tra, giám sát, hỗ trợ để việc vận chuyển diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, bảo đảm an toàn.
3.3.3. VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỊ NẠN
Khi vận chuyển, cần triệt để tuân thủ nguyên tắc vận chuyển người bị nạn bị chấn thương;
Những điểm cần đặc biệt lưu ý là: Phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định về phương pháp, phương tiện vận chuyển, tư thế người bị nạn khi di chuyển và các hướng dẫn, lưu ý khi vận chuyển người bị nạn có những tổn thương nguy hiểm; quá trình chuyển thương phải đảm bảo nhẹ nhàng, cẩn thận, đúng kỹ thuật; quá trình di chuyển cần theo dõi sát diễn biến bất thường để xử trí cấp cứu kịp thời, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nạn nhân.
Các phương pháp di chuyển người bị nạn trong cứu nạn, cứu hộ
Có nhiều phương pháp di chuyển người bị nạn, căn cứ vào tính chất tổn thương của nạn nhân; mục đích, yêu cầu, quãng đường vận chuyển mà lựa chọn phương pháp vận chuyển cho phù hợp. Các phương pháp thường được sử dụng gồm:
3.4.1. BẾ NGƯỜI BỊ NẠN
Áp dụng khi vận chuyển trên quãng đường ngắn, người bị nạn không tổn thương cột sống, không gãy xương chi dưới và không có tổn thương cần bất động khác.
Kỹ thuật bế người bị nạn tiến hành theo các bước như sau:
Bước 1. Tư thế, vị trí chuẩn bị bế
Nhẹ nhàng đặt người bị nạn ở tư thế nằm ngửa. Chiến sỹ tiếp cận ngang người của người bị nạn (thường tiếp cận bên không bị tổn thương) ở tư thế quỳ chân thấp, chân cao (chân phía dưới người bị nạn quỳ thấp, chân phía đầu người bị nạn quỳ cao).
Bước 2. Chuyển người bị nạn từ tư thế nằm sang tư thế ngồi
Chiến sỹ luồn tay trên dưới nách, sau lưng sang nách bên đối diện của người bị nạn, kết hợp tay phía dưới vòng qua người đỡ dưới nách đối diện của người bị nạn. Chiến sỹ chuyển đỡ người bị nạn ngồi dậy, cho lưng người bị nạn dựa vào đùi của chân quỳ cao.
Bước 3: Bế người bị nạn
Tay dưới của Chiến sỹ luồn qua khoeo chân người bị nạn, gấp đùi người bị nạn vào Chiến sỹ sát bụng; kết hợp 2 tay nâng người bị nạn lần lượt lên đùi thấp, đùi cao của Chiến sỹ, rồi dồn sức bế người bị nạn đứng dậy.
Bước 4. Di chuyển về nơi an toàn và đưa người bị nạn xuống
Khi bế người bị nạn về nơi an toàn Chiến sỹ đưa người bị nạn xuống ngược lại so với kỹ thuật bế người bị nạn.
Chú ý: Khi bế, thao tác nhẹ nhàng, tránh thô bạo.
3.4.2. CÕNG NGƯỜI BỊ NẠN
Phương pháp này không áp dụng cho người tổn xương cột sống, gãy xương khác (trừ xương nhỏ), các vết thương ngực, bụng mà khi cõng gây biến chứng, đau đớn cho người bị nạn.
Sau khi cơ động tiếp cận, đánh giá tình trạng người bị nạn, xử trí tổn thương và quyết định hình thức vận chuyển; quy trình vận chuyển người bị nạn bằng kỹ thuật cõng người bị nạn trên lưng được tiến hành như sau:
Bước 1. Chuẩn bị tư thế người bị nạn, người vận chuyển
Nhẹ nhàng đặt người bị nạn ở tư thế nằm ngửa, tách 2 chân, 2 tay người bị nạn sang hai bên thân mình; Chiến sỹ tiếp cận từ phía dưới chân người bị nạn, chân thuận bước lên đặt bàn chân sát bẹn nạn nhân; chân không thuận bước lên đặt bàn chân sát nách nạn nhân.
Bước 2. Chuyển người bị nạn từ tư thế nằm sang tư thế đứng
Chiến sỹ hạ thấp trọng tâm luồn 2 tay qua nách xuống dưới vai người bị nạn, nâng nạn nhân ngồi dậy, kết hợp thu chân trước về sau đỡ nạn nhân đứng dậy (ngả người cho người bị nạn dựa vào người Chiến sỹ).
Bước 3. Đưa nạn nhân lên lưng người vận chuyển
Chiến sỹ nắm một tay người bị nạn đồng thời xoay người, hạ thấp trọng tâm cho thân nạn nhân dựa vào lưng, rồi luồn 2 tay dưới khoeo chân nạn nhân, dồn sức cõng người bị nạn đứng dậy.
Bước 4. Chuyển người bị nạn đến nơi an toàn và đưa người bị nạn xuống
Chiến sỹ di chuyển đưa nạn nhân tới nơi an toàn, rồi hạ người bị nạn xuống ngược lại với lúc cõng người bị nạn.
Chú ý: Thao tác cõng phải nhẹ nhàng, tránh thô bạo.
3.4.3. VÁC NGƯỜI BỊ NẠN
Phương pháp này không áp dụng cho người tổn xương cột sống, gãy xương khác (trừ xương nhỏ), các vết thương ngực, bụng mà khi cõng gây biến chứng, đau đớn cho người bị nạn.
Sau khi tiếp cận, đánh giá tình trạng người bị nạn, xử trí tổn thương và quyết định hình thức vận chuyển; quy trình vận chuyển người bị nạn bằng kỹ thuật vác người bị nạn được tiến hành như sau:
Bước 1. Chuẩn bị tư thế người bị nạn, người vận chuyển
Nhẹ nhàng đặt người bị nạn ở tư thế nằm ngửa, tách 2 chân, 2 tay người bị nạn sang hai bên thân mình; Chiến sỹ tiếp cận từ phía dưới chân người bị nạn, chận thuận bước lên đặt bàn chân sát bẹn nạn nhân; chân không thuận bước lên đặt bàn chân sát nách nạn nhân.
Bước 2. Chuyển người bị nạn từ tư thế nằm sang tư thế đứng
Chiến sỹ hạ thấp trọng tâm luồn 2 tay qua nách xuống dưới vai người bị nạn, nâng nạn nhân ngồi dậy, kết hợp thu chân trước về sau đỡ nạ nhân đứng dậy (ngả người cho người bị nạn dựa vào người Chiến sỹ).
Bước 3. Đưa nạn nhân lên vai Chiến sỹ
Chiến sỹ tay trên nắm một tay người bị nạn đồng thời xoay người, hạ thấp trọng tâm, luồn tay dưới luồn qua háng, ghé vai sát khớp mu, cho thân nạn nhân dựa lên hai vai, một tay chống gối dồn sức vác người bị nạn đứng dậy.
Bước 4. Chuyển người bị nạn đến nơi an toàn và đưa người bị nạn xuống
Chiến sỹ di chuyển đưa nạn nhân tới nơi an toàn, rồi hạ người bị nạn xuống ngược lại với lúc vác lên.
Chú ý: Thao tác vác phải kỹ thuật nhẹ nhàng, tránh thô bạo.
3.4.4. DÌU NGƯỜI BỊ NẠN
Áp dụng cho những người còn tự đi bộ được, Chiến sỹ đóng vai trò là người hỗ trợ, làm chỗ dựa để nâng đỡ, tránh ngã cho người bị nạn.
Sau khi tiếp cận, đánh giá tình trạng người bị nạn, xử trí tổn thương và quyết định hình thức vận chuyển; quy trình vận chuyển người bị nạn bằng kỹ thuật dìu người bị nạn được tiến hành như sau:
Bước 1. Chuẩn bị tư thế người bị nạn, người vận chuyển
Nhẹ nhàng đặt người bị nạn ở tư thế nằm ngửa, tách 2 chân, 2 tay người bị nạn sang hai bên thân mình; Chiến sỹ tiếp cận từ phía dưới chân người bị nạn, chận thuận bước lên đặt bàn chân sát bẹn nạn nhân; chân không thuận bước lên đặt bàn chân sát nách nạn nhân.
Bước 2. Chuyển người bị nạn từ tư thế nằm sang tư thế đứng
Chiến sỹ hạ thấp trọng tâm luồn 2 tay qua nách xuống dưới vai người bị nạn, nâng nạn nhân ngồi dậy, kết hợp thu chân trước về sau đỡ nạn nhân đứng dậy (ngả người cho người bị nạn dựa vào người Chiến sỹ).
Bước 3: Dìu người bị nạn di chuyển
Chiến sỹ xoay chân về tư thế song song với người bị nạn, tựa hông người bị nạn vào hông mình. Để tay người bị nạn khoác vai Chiến sỹ, một tay của Chiến sỹ nắm lấy cổ tay người bị nạn (trên vai Chiến sỹ), tay còn lại vòng ra sau lưng nắm đai quần người bị nạn bên đối diện.
Di chuyển: Chân phía ngoài của Chiến sỹ bước trước, sau đó chân phía trong di chuyển cùng chân của người bị nạn.
Bước 4: Đặt người bị nạn xuống
Khi dìu người bị nạn về nơi an toàn, cứu thương cho người bị nạn nằm xuống bằng các động tác ngược lại so với kỹ thuật khi chuyển người bị nạn từ tư thế nằm sang tư thế đứng.
Chiến sỹ xoay người đứng đối diện với người bị nạn, 2 tay luồn qua nách ôm sau lưng người bị nạn, đồng thời đưa 1 chân lên phía trước, giữa 2 chân người bị nạn.
Chiến sỹ từ từ cúi về phía trước, đỡ người bị nạn chuyển từ tư thế đứng sang tư thế ngồi; sau đó chuyển một tay ra phía sau gáy, đỡ cổ và đầu người bị nạn; tiến chân còn lại lên 1 bước đồng thời nhẹ nhàng đỡ người bị nạn chuyển sang tư thế nằm an toàn.
Chú ý: Thao tác kỹ thuật dìu cần nhẹ nhàng, tránh thô bạo
3.4.5. VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỊ NẠN BẰNG CÁNG CỨNG (PHƯƠNG PHÁP 2 NGƯỜI)
Có thể áp dụng cho mọi người bị nạn khi có điều kiện; là phương pháp vận chuyển bắt buộc với người tổn thương cột sống, gãy xương chậu, xương đùi…
Sau khi tiếp cận, đánh giá tình trạng người bị nạn, xử trí tổn thương và quyết định hình thức vận chuyển; quy trình vận chuyển người bị nạn bằng cáng cứng có 2 người vận chuyển được tiến hành như sau:
Bước 1. Chuẩn bị tư thế người bị nạn, cứu thương
Nhẹ nhàng đặt người bị nạn ở tư thế nằm ngửa. Đặt cáng bên cạnh người bị nạn, cùng bên với bên có vết thương, mở rộng cáng. Hai Chiến sỹ tiếp cận người bị nạn bên phía đối diện với cáng ở tư thế quỳ, chân cao chân thấp, một người ngang ngực, một người ngang hông người bị nạn. Bàn chân chân cao và đầu gối chân thấp của 2 Chiến sỹ sát vào thân người bị nạn.
Bước 2. Đưa người bị nạn vào cáng
Hai Chiến sỹ luồn tay xuống dưới nâng đỡ người bị nạn. Chiến sỹ phía trên một tay đỡ cổ - vai, một tay đỡ thắt lưng; Chiến sỹ phía dưới một tay đặt đỡ vùng hông, một tay đỡ khoeo người bị nạn.
Hai Chiến sỹ phối hợp nhịp nhàng, nâng người bị nạn lên, bước chân cao về phía trước 1 bước rồi cùng nhẹ nhàng đặt người bị nạn vào cáng ở tư thế nằm ngửa. Đệm dưới vùng lưng, thắt lưng một gối nhỏ hoặc quần áo cuộn lại làm cột sống hơi ưỡn ra.
Bước 3: Cáng người bị nạn
Hai Chiến sỹ ở 2 đầu cáng, quỳ chân thấp chân cao, cùng hướng; cầm đòn cáng, dùng sức nâng cáng lên, đồng thời chuyển từ tư thế quỳ sang tư thế đứng.
Bước 4. Di chuyển về nơi an toàn và đưa người bị nạn xuống
Khi di chuyển, hai Chiến sỹ bước chân so le nhau. người đi trước phải giữ tốc độ đều đặn, báo cho người đi sau biết những chỗ khó đi để tránh.
Khi cáng trên đường dốc, phải giữ cáng thăng bằng hoặc đầu người bị nạn hơi cao hơn chân. Khi cáng lên dốc phải cho đầu người bị nạn đi trước, khi cáng xuống dốc, phải cho đầu người bị nạn đi sau.
Khi cáng người bị nạn về nơi an toàn để cứu thương thì đưa người bị nạn ra khỏi cáng ngược lại so với kỹ thuật cáng người bị nạn lên, cụ thể:
- Hai Chiến sỹ phối hợp nhịp nhàng đặt cáng xuống đất.
- Đưa người bị nạn ra khỏi cáng: Hai Chiến sỹ tiếp cận người bị nạn như khi đưa người bị nạn vào cáng; bàn chân quỳ cao áp sát cáng, đầu gối chân quỳ thấp cách bàn chân quỳ cao 1 bước chân. Hai Chiến sỹ phối hợp nhẹ nhàng nâng người bị nạn lên đồng thời thu chân quỳ cao về phía sau 1 bước sao cho bàn chân chân này ngang gối chân quỳ thấp, cùng nhẹ nhàng đặt người bị nạn xuống.
Chú ý: Đây là kỹ thuật thường áp dụng với những người bị nạn bị tổn thương cột sống, gãy xương đùi, bị thương nặng nên khi vận chuyển phải rất cẩn thận, không nên đổi cáng trong quá trình vận chuyển nếu không bắt buộc phải đổi.
3.4.6. VẬN CHUYỂN NGƯỜI BỊ NẠN BẰNG CÁNG CỨNG (PHƯƠNG PHÁP 4 NGƯỜI)
Có thể áp dụng cho mọi người bị nạn khi có điều kiện; là phương pháp vận chuyển bắt buộc với người tổn thương cột sống, gãy xương chậu, xương đùi…
Sau khi tiếp cận, đánh giá tình trạng người bị nạn, xử trí tổn thương và quyết định hình thức vận chuyển; quy trình vận chuyển người bị nạn bằng cáng cứng có 4 người vận chuyển được tiến hành như sau:
Bước 1. Chuẩn bị tư thế người bị nạn, cứu thương
Nhẹ nhàng đặt người bị nạn ở tư thế nằm ngửa. Đặt cáng bên cạnh người bị nạn, cùng bên với bên có vết thương, mở rộng cáng. 4 Chiến sỹ tiếp cận bên cạnh người bị nạn, mỗi bên 2 người ở tư thế quỳ chân cao chân thấp, hai người ngang ngực, hai người ngang hông người bị nạn.
Bước 2. Đưa người bị nạn vào cáng
4 Chiến sỹ luồn tay xuống dưới nâng đỡ người bị nạn. Chiến sỹ phía trên một tay đỡ vai - cổ, một tay đỡ thắt lưng; cáng thương phía dưới một tay đặt đỡ vùng hông, một tay đỡ khoeo cho người bị nạn.
4 Chiến sỹ phối hợp nhịp nhàng nâng người bị nạn lên, động tác phối hợp thật tốt để giữ cho người bị nạn thật thẳng. Nhấc từ từ lên khỏi mặt đất rồi đưa vào cáng hoặc luồn cáng xuống dưới người bị nạn rồi lại từ từ đặt người bị nạn xuống cáng tư thế nằm ngửa. Luôn chú ý không được nâng vai và hai chân cao hơn lưng.
Đệm dưới vùng lưng, thắt lưng một gối nhỏ hoặc quần áo cuộn lại làm cột sống hơi ưỡn ra.
Bước 3: Cáng người bị nạn
4 Chiến sỹ di chuyển về 2 đầu cáng (mỗi đầu 2 người), ở tư thế quỳ chân thấp chân cao, cùng hướng; mỗi người cầm một tay cán, dùng sức nâng cáng lên, đồng thời chuyển từ tư thế quỳ sang tư thế đứng.
Bước 4. Di chuyển về nơi an toàn và đưa người bị nạn xuống
Khi di chuyển không bước đều, người đi trước phải giữ tốc độ đều đặn, báo cho người đi sau biết những chỗ khó đi để tránh.
Khi cáng trên đường dốc, phải giữ cáng thăng bằng hoặc đầu người bị nạn hơi cao hơn chân. Khi cáng lên dốc phải cho đầu người bị nạn đi trước, khi cáng xuống dốc, phải cho đầu người bị nạn đi sau.
Khi cáng người bị nạn về nơi an toàn để cứu thương thì đưa người bị nạn ra khỏi cáng ngược lại so với kỹ thuật cáng người bị nạn lên, cụ thể:
- 4 Chiến sỹ chuyển phối hợp nhịp nhàng đặt cáng xuống đất.
- Đưa người bị nạn ra khỏi cáng: 4 Chiến sỹ tiếp cận người bị nạn như khi đưa người bị nạn vào cáng. 4 Chiến sỹ phối hợp nhẹ nhàng nâng người bị nạn lên, nhẹ nhàng đưa người bị nạn ra khỏi cáng và đặt người bị nạn xuống.
Chú ý:
Đây là kỹ thuật thường áp dụng với những người bị nạn bị tổn thương cột sống, gãy xương đùi, bị thương nặng nên khi vận chuyển phải rất cẩn thận, không nên đổi cáng trong quá trình vận chuyển nếu không bắt buộc phải đổi.
* Khi cần chuyển người bị nạn từ cáng sang giường hoặc đổi cáng thì thực hiện như sau:
Bước 1. Hai Chiến sỹ đỡ tay cáng ở 2 đầu cáng áp sát giường hoặc cáng khác (ở tư thế song song);
Bước 2. Hai Chiến sỹ còn lại đỡ nâng nạn nhân lên khỏi mặt cáng (như vận chuyển 2 người);
Bước 3. Hai Chiến sỹ buông hạ tay cáng ngoài, để cáng nghiêng áp sát thành giường; khi đó 2 Chiến sỹ còn lại nâng người bị nạn tiến về phía giường rồi nhẹ nhàng đặt người bị nạn xuống giường.
* Khi chuyển cáng lên xe cứu thương thì thực hiện như sau:
Bước 1. Chuyển từ cáng 4 người thành 3 người (2 người trước, một người sau);
Bước 2. 01 Chiến sỹ mở cửa sau và lên xe;
Bước 3. 02 Chiến sỹ đi trước nâng đầu cáng ghé vào thành xe đồng thời Chiến sỹ trên xe đỡ tay cáng nâng lên;
Bước 4. 02 Chiến sỹ đi trước lùi lại đỡ 2 bên thân cáng, hỗ trợ Chiến sỹ đi sau chuyển cáng lên xe cứu thương./.
Nguồn: Cục Cảnh sát PCCC và CNCH
Đối tác
Bản quyền thuộc về Công ty Cổ Phần Xây dựng & thiết bị PCCC Đức Phúc